HERMANN HESS VÀ SIDDHARTHA ( Câu Chuyện Dòng Sông )

Hermann Hesse sinh ngày 2.7.1877 tại thành phố Calw (Đức). Ông là một nhà văn hiện đại của nước Đức và cũng là một nhà thơ, một họa sỹ tài hoa. Ông nổi tiếng với những tác phẩm tiêu biểu như “Siddhartha” (Câu chuyệndòng sông), “Der Steppenwolf” (Sói đồnghoang) và “Das Glasperlenspiel” (Trò chơi ngọc thủy tinh),…. Năm 1946, ông được trao giải Nobel Văn Chương vì các tác phẩm của ông đều mang đậm nét nhân bản được viết bằng một giọng văn trong sáng nhưng rất sâu sắc. Cũng trong năm đó, ông được trao thêm giải Goethe của thành phố Frankfurt am Main và năm 1955 ông nhận giải Hòa Bình của hội kinh doanh sách Đức. Hermann Hesse là một trong những nhà văn Đức có sách bán nhiều nhất thế giới ở thế kỷ 20, sách ông được in ra 150 triệu cuốn và dịch ra 60 thứ tiếng. Rất nhiều tác phẩm của ông đã dịch ra tiếng Việt, có cuốn dịch ra ba bản khác nhau như cuốn “Narziss und Goldmund”: “Nhà khổ hạnh và gã lang thang” do Phùng Khánh, “Đôi bạn chân tình” do Vũ đình Lưu và “Narcisse và Goldmund” do Viễn Nguyên dịch.

Hermann Hesse ra đời trong một gia đình c ó truyền thống theo Kitô giáo. Cha ông là mục sư và mẹ ông là con gái của một nhà truyền giáo. Cha mẹ của ông đã từng sống nhiều năm ở Ấn Độ và làm việc cho Hội truyền giáo Basel ở đó. Ngay từ nhỏ, ông hay bị rối loạn tâm thần và thường xuyên có xung đột với cha mẹ. Năm 1891 ông vào học trường thần học ở Maulbronn (Đức), sau đó ông bỏ học vì thấy mình không thể đi tu được. Năm 1895 đi làm cho một tiệm sách ở Tübingen, nơi đây được gần gũi với sách vở, ông có dịp đọc rất nhiều về thần học cũng như các tác phẩm của Goethe, Lessing, Schiller,… Thời gian này, Hermann Hesse đã bắt đầu làm thơ và viết sách, ông cho ra đời một tập thơ đầu tiên năm 1898, nhưng không gây được sự chú ý của mọi người. Năm 1904, ông phát hành một tác phẩm “Peter Camenzind” (Tuổi trẻ và cô đơn, Vũ đình Lưu dịch), đây là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng có tính cách giáo dục, đã được đọc giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Sự thành công này tạo nên khúc quanh lớn trong đời ông, từ đó ông để dành hết thời giờ vào sự nghiệp sáng tác. Cùng năm đó, ông kết hôn với cô Maria Bernoulli người ThụySĩ. Hai vợ chồng dọn về ở Bodensee (Đức) và có với nhau 3 đứa con trai.

Năm 1911, để đi tìm một sự yên ổn nội tâm, Hermann Hesse làm một cuộc hành trình dài qua Tích Lan và Indonesia, nhưng như ông nói, ông đã thất vọng. Tuy nhiên, chuyến đi này đã tạo nên nguồn cảm hứng sau này để ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về Ấn Độ là “Siddharta” vào năm 1922.Tác giả viết về một câu chuyện ở thời điểm Đức Phật còn tại thế và lồng vào trong đó những giá trị của triết lý phương Đông. Năm 1916 cha ông mất, gia đình không hạnh phúc đã đưa ông đến sự khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Nhưng cũng chính là thời gian dẫn ông đến điểm cao sáng tạo mới, ông viết cuốn tiểuthuyết Demian (Tuổi trẻ băn khoăn, Hoài Khanh dịch) nói về nỗi băn khoăn của tuổi trẻ đi tìm cái “tôi” của mình. Năm 1919, ông một mình dọn đến Montagnola (Thụy Sĩ) và ở đây cho đến khi mất.

Năm 1924, ông kết hôn lần thứ hai với cô Ruth Wenger, nhưng cuộc hôn nhân này ngay từ đầu đã bị coi là thất bại. Năm 1927, ông xuất bản tiểu thuyết “Der Steppenwolf”(Sói đồng hoang, Chơn Hạnh và Phùng Thăng dịch), đây là cuốn tiểu thuyết có tính cách tự truyện và coi là thành công nhất của Hermann Hesse. “Der Steppenwolf” là một lời phê phán sự tha hóa đạo đức của nền văn minh phương Tây và cũng phản ảnh cuộc đấu tranh nội tâm của ông, sự xung đột giữa bản tính của người và bản tính của thú. Đặc điểm của Hermann Hesse không phải như phần đông các tiểu thuyết gia khác, tác giả đưa ra căn bệnh của xã hội, nhưng không hướng dẫn đến sự tự hủy hoại, mà trái lại dẫn đến sự chữa trị của căn bệnh ấy. Hermann Hesse cho rằng sự an bình của phương Đông sẽ là liều thuốc an thần cho sự khủng hoảng của xã hội phương Tây. Không một nhà văn nào lại có ảnh hưởng nhiều đến tuổi trẻ như Hermann Hesse, phong trào Hippie của thập niên 60 đã đi từ những tư tưởng trong các tác phẩm của Hermann Hesse là muốn chối bỏ thực tại để trở về lại nội tâm con người. Nhiều người Hippies của những năm 60, họ đã tự coi họ là sói đồng hoang với sự thôi thúc từ bỏ mọi ràng buộc của xã hội và sự khát khao một cuộc sống tự do phóng khoáng. Bản nhạc “Born to Be Wild” và cuốn phim “Easy Rider” vang bóng một thời cũng mang ít nhiều tính chất con người hoang dã trong “Der Steppenwolf”.

Năm 1930, Hermann Hesse cho ra cuốn tiểu thuyết “Narziss und Goldmund”. Đây là một cuốn sách dễ đọc nhất trong những tác phẩm của ông và viết về một câu chuyện cổ tích thời trung cổ, nói lên sự tương quan giữa tư duy và hành động. Năm 1931, ông kết hôn lần thứ ba với cô Ninon Dolbin. Trong khi đó, tình hình chính trị ở Âu châu đang căng thẳng, đảng Đức Quốc Xã ở Đức nắm được chính quyền, thế chiến thứ hai đang được châm ngòi để bùng nổ. Ông viết những bài bình luận để bênh vực các đồng nghiệp đang bị chính quyền Đức khủng bố, bắt bớ và đả kích chế độ độc tài Đức Quốc Xã. Vì vậy, không một tờ báo nào ở Đức vào thời đó dám đăng bài của ông và sách của ông thì bị cấm bán. Sau chiến tranh, các thế hệ trẻ ở Đức mới tìm đọc lại sách của Hermann Hesse.Có thể nói rằng tác phẩm của Hermann Hesse được nhập cảng lại từ Mỹ vào Đức, sau khi ở Mỹ vào những năm 60 có sự bùng nổ của “Hiện tượng Hesse” qua phong trào Hippie với “Der Steppenwolf”.

Thế chiến thứ hai, cũng là thời gian để ông ấp ủ đưa ra quyển tiểu thuyết “Das Glasperlenspiel”, tạm dịch ra tiếng Việt là “Trò chơi ngọc thủy tinh” (Tuồng ảo hóa, Nguyễn Ngọc Minh dịch), xuất bản năm 1943 ở Thụy Sĩ. Câu chuyện có tính cách giả tưởng, nói lên sự cần thiết phải dấn thân hành động vì tương lai tốt đẹp của nhân loại. Đây là tác phẩm lớn cuối cùng của ông đã góp phần đưa ông lên đài danh vọng với Giải Nobel Văn Chương cao quý năm 1946.

Ông mất ngày 9 tháng 8 năm 1962 ở Montagnola (Thụy Sĩ).

siddharthaCÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG

“Siddhartha” là cuốn tiểu thuyết có tính tự truyện như hầu hết các tác phẩm của Hermann Hesse, nói lên thân phận con người, mà nhân vật trong truyện cũng là chính ông và không ít độc giả cũng cảm nhận được bóng dáng của mình thấp thoáng trong đó. Bởi vì mỗi người trong chúng ta ai ai cũng có thể là nhân vật Siddharta trong cuộc sống.

Với lời văn đầy cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng như một bài ru ca ngọt ngào và thổi vào trong đó những nét huyền bí của nền văn minh Ấn Độ, những giá trị tinh thần phương Đông, Hermann Hesse đã thành công khi viết cuốn tiểu thuyết “Siddhartha”. Cũng chính vì tính chất rất gần gũi Á đông đó, “Siddhartha” được độc giả Việt Nam đón nhận một cách nồng nàn. Tác phẩm này đã được dịch ra 2 bản tiếng Việt: “Câu chuyện dòng sông” do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch từ tiếng Anh và “Siddhartha” do Lê Chu Cầu dịch từ tiếng Đức. “Câu chuyện dòng sông” là một bản dịch nổi tiếng được xuất bản từ năm 1965 và được tái bản lại nhiều lần, ngay cả những năm gần đây. Nữ sĩ Phùng Khánh, tức là Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, và người em gái của bà là nữ sĩ Phùng Thăng đã làm cho người đọc có cảm giác hình như Hermann Hesse đã đặc biệt viết cuốn sách này cho người Việt.

Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, kể về hành trình tâm linh của một anh chàng trẻ tuổi theo đạo Bàlamôn tên là Siddhartha. Anh và người bạn thân Govinda rời bỏ gia đình và quê hương để gia nhập đoàn Sa Môn tu khổ hạnh, đây là lần ra đi thứ nhất của anh để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Anh hy vọng sự khổ hạnh sẽ làm anh giác ngộ và đạt tới được vô ngã. Nhưng dần dần, anh thất vọng vì cảm thấy khổ hạnh không đem đến cho anh bình an thực sự.

Sau đó anh đến tìm gặp được Đức Phật, mặc dù không một chút nào nghi ngờ về giáo lý của Ngài, nhưng anh không xin ở lại để tu theo Ngài như Govinda, bạn anh đã làm. Anh ra đi vì không phải để tìm một giáo lý hay một người thầy hay hơn, giỏi hơn mà để chứng nghiệm sự giác ngộ của mình chỉ bằng trải nghiệm, chứ không bằng sự truyền đạt qua sách vở hay ngôn từ. Lần ra đi này là thứ hai để đi tìm lấy chính mình.

Siddhartha đi lang thang và gặp được Kamala, một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp và giàu có. Anh chàng Sa Môn trẻ tuổi vô sản này chỉcó 3 cái khả năng là biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói do nhờ sự luyện tập mà có. Khả năng biết suy nghĩ có nghĩa là sáng suốt, tỉnh táo, biết chờ đợi có nghĩa là kiên nhẫn, thinh lặng, lắng nghe và cuối cùng biết nhịn đói có nghĩa là biết buông xả, từ bỏ.Với 3 khả năng đó, anh đã chinh phục được người đẹp Kamala. Anh đã được nàng dạy cho nghệ thuật yêu đương, học cách kiếm tiền, tiêu tiền sau khi trở thành một cộng sự viên đắc lực cho nhà buôn giàu có Kamaswami. Anh từ từ rơi vào sa đọa, càng xuống tận cùng của dục lạc, anh càng thấy trống rỗng và chán ngấy. Đây cũng là lúc anh cảm thấy đánh mất ba cái khả năng biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói của anh. Bối rối tuyệt vọng anh lại bỏ ra đi, lần ra đi thứ ba này là để đi tìm sự giác ngộ. Anh tới một dòng sông và định trầm mình tự vẫn, bỗng nhiên anh nghe vẳng lại từ dòng sông có tiếng “Om” linh thiêng mầu nhiệm vang lên trong tâm thức đã làm anh tỉnh thức. Cuối cùng, anh đã gặp người lái đò Vasudeva và quyết định ở lại với ông. Anh và Vasudeva sống êm đềm bên cạnh dòng sông và làm nghề chèo thuyền đưa khách qua sông. Hai người thường lắng nghe dòng sông như một người thầy của mình. Dòng sông đã dạy cho anh sự lắng nghe với tâm tĩnh lặng, lòng rộng mở, không đam mê, không cầu mong, không phán xét và không thành kiến. Dòng sông nói với anh hãy sống cho hôm nay và không sống cho cái bóng của hôm qua hay cái bóng của ngày mai.

Cũng trong thời gian này, nàng Kamala đã sinh cho anh được một cậu con trai, nhưng Siddhartha không hề hay biết gì về chuyện đó. Hai mẹ con trong chuyến hành hương viếng Đức Phật sắp nhập Niết bàn, Kamala bị rắn cắn. Trước khi chết, nàng đã gặp được Siddhartha và cho anh hay đứa trẻ này là con trai của anh. Anh sung sướng nhận đứa con mình và anh muốn nó sẽcó cuộc sống bình an giản dị như anh. Nhưng nó là một đứa trẻ sống quen trong giàu sang nhung lụa đã chống lại anh và bỏ ra đi, quay trở về thành phố của nó. Anh đau khổ định đi tìm con, nhưng Vasudeva khuyên anh nên để đứa con ra đi, nó phải tự trải nghiệm cuộ csống riêng của nó, như ngày xưa anh đã bỏ cha anh ra đi. Trong tận cùng của khổ đau, anh nghiệm rằng, trước đây cha anh đã phải chịu đựng đớn đau, khi anh bỏ ông ở lại một mình và bây giờ anh cũng lại phải gánh chịu sự đớn đau đó, khi đứa con bỏ ra đi. Qua đó anh chợt nhận ra con anh là một phần của anh, cũng như anh là một phần của cha anh và tất cả đều quy về một mối. Khi anh hiểu được tính nhất thể củacuộc sống, anh cảm nhận được sự khai sáng trong anh.

Vasudeva, người lái đò và người thầy của anh, biết anh đã được giác ngộ, tự coi nhiệm vụ mình đã xong, bỏ đi vào rừng bình an. Govinda, người bạn anh năm xưa thời thơ ấu,vẫn còn là một Sa Môn đi khất thực và vẫn đi tìm kiếm sự giác ngộ. Một hôm Govinda theo đoàn Sa Môn qua sông và gặp được Siddhartha đang chèo đò. Govinda hỏi anh làm sao để được giác ngộ? Siddhartha trả lời: người đi tìm kiếm vì đã có mục đích nên khó có thể tìm ra chân lý ,chân lý thì không thể truyền dạy được mà phải tự mình chứng nghiệm, tất cả đều quy về một (Nhất thể) và tình thương là quan trọng nhất trên thế gian.

Sau cùng, Siddhartha yêu cầu Govinda, người bạn đang đau khổ vì còn mãi đi tìm kiếm, hôn lên trán anh. Mặc dù ngạc nhiên, nhưng Govinda vẫn làm và khi Govinda vừa đặt môi lên trán của Siddhartha, Govinda bị chấn động và cảm thấy mình đang được khai sáng, mọi khổ đau khắc khoải đều tiêu tan, sự an lạc dần dần hiện hữu. Trong Thiền, người ta gọi đó là sự giác ngộ tức khắc(đốn ngộ) mà các bậc thầy thường dùng để thức tỉnh môn sinh, khi ngôn từ không còn hiệu quả. Govinda cảm thấy trong lòng tràn ngập vui sướng và cúi đầu xuống lạy Siddhartha.

Kết thúc:
Trong tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên nỗi đau thương, bi phẫn của kiếp con người, trong đó có ông, nhưng ông cũng cho thấy có sự yêu thương thiết tha cuộc đời và những nỗ lực vô hạn để vươn lên khỏi thân phận yếu hèn của mình. Như một câu của Hermann Hesse viết trong bài thơ “Gestutzte Eiche” (Cây sồi trần trụi):

“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”
(Und allem Weh zu Trotze bleib ich. Verliebt in die verrückte Welt) [1]

Lương Nguyên Hiền
Mùa thu 2012

Tài liệu tham khảo:
-[1] “Phân tích tác phẩm Câu chuyện dòng sông” trong “Nguồn mạch tâm linh” của Thích Nữ Trí Hải
-[2] “Siddhartha”, Hermann Hesse
-[3] “Câu chuyện DòngSông”, Phùng Khánh & Phùng Thăng dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Siddhartha” của Hermann Hesse
-[4] Tuần báo Stern9/8/2012 : “Der Poet der wilden Jugend”, Anika von Greve-Dierfeld
-[5] Tuần báo Spiegel32/2012: “Ich mag mein Ding”, Matthias Matussek

About ngdieutam

Female, HCMC University of Pedagogy 1974-1977, living in Ho Chi Minh City, Vietnam. Business: http://www.khaitamlacquerware.com
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

5 Responses to HERMANN HESS VÀ SIDDHARTHA ( Câu Chuyện Dòng Sông )

  1. ngdieutam says:

    Mời các bạn nghe Đọc Truyện Đêm Khuya:

  2. ngdieutam says:

    SIDDHARTHA
    * Volker Zotz: Trong nhân vật chính của Hesse là Tất Đạt hội ngộ Đức Phật, là một chủ nghĩa cá nhân của Châu Âu hiện đại và nghi ngờ những giáo điều và mọi tổ chức.
    * Nguyễn Tường Bách:
    Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe. Cuối cùng Siddhartha đã ngộ ra rằng “sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém”. Khi đã trải nghiệm và biết lắng nghe mọi hình thái của sự sống, chàng đã tự siêu việt chính mình, vượt lên thiện – ác, tốt – xấu. Đó là tư tưởng Bát nhã, nói theo cách của Hermann Hesse.
    * Phùng Khánh, Phùng Thăng:
    Đọc “Câu chuyện dòng sông”, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. “Câu chuyện dòng sông” là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt….
    Câu Chuyện Dòng Sông trước hết là một tác phẩm văn học nghệ thuật, cho nên bất cứ một phân tích nào về phương diện tư tưởng đều mang ít nhiều tính chủ quan do người đọc tự gán cho nó. Bởi thế những ai phê phán sách này phỉ báng đạo Phật hay đề cao đạo Phật, đều không đúng chỗ.
    (wikipedia)

  3. ngdieutam says:

    Tam Nguyen Chị đang vừa nghe audio vừa đọc onlineliterature. Thanks Nhi!
    Yesterday at 5:22pm · Like
    Ynhi Ha Nguyen Hồi đó em đọc là bản dịch của sư cô Thích Nữ Trí Hải.
    Yesterday at 8:40pm · Like
    Tam Nguyen Nữ sĩ Phùng Khánh, tức là Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, và người em gái của bà là nữ sĩ Phùng Thăng đã làm cho người đọc có cảm giác hình như Hermann Hesse đã đặc biệt viết cuốn sách này cho người Việt.
    Yesterday at 8:45pm · Like · 1
    Ynhi Ha Nguyen Sư cô Trí Hải giỏi.
    Yesterday at 8:46pm · Like
    Tam Nguyen Ni sư Trí Hải rất giỏi, nhưng ni sư đã mất vì tai nạn trên đường đi Phan Thiết vào năm 2003
    Yesterday at 8:49pm · Like
    Ynhi Ha Nguyen Em có nghe Sa kể.
    Yesterday at 8:49pm · Like
    Ynhi Ha Nguyen Bản tiếng Anh có lẽ sát nghĩa với tiếng Đức hơn là bản tiếng Việt. Em thấy bản tiếng Anh flowing dễ dàng, đọc rất dễ chịu.
    Yesterday at 8:52pm · Unlike · 1
    Tam Nguyen Nếu truyện Câu Chuyện Dòng Sông dịch từ tiếng Anh “đã làm cho người đọc có cảm giác hình như Hermann Hesse đã đặc biệt viết cuốn sách này cho người Việt” thì chị nghĩ chắc sẽ không sát nghĩa tiếng Đức lắm.
    Yesterday at 9:09pm · Like
    Ynhi Ha Nguyen Siddhartha đâu phải người Đức. Ông ta theo tôn giáo Đông phương nên bản dịch tiếng Việt bóc ra được vẻ đẹp của câu chuyện lắm.
    Yesterday at 11:01pm · Like · 1
    VanAnh Nguyen Cả hai chị em có kiến thức làm cho em thật bái phục
    21 hours ago via mobile · Like
    Trang Sao Hermann Hesse là 1 nhà văn rất lạ lùng, tuy là người DDức và sau này sống ở Thuỵ Sĩ, ông lại đã dành 20 năm tìm hiểu và suy tư sâu sắc về Phật giáo để rồi viết cuốn truyện này (Có lẽ cũng nhờ ảnh hưởng ở gia đình, ông bà cuả Hesse làm việc nhiều năm ở …See More
    19 hours ago · Unlike · 2
    Ynhi Ha Nguyen my favorite film
    19 hours ago · Like
    Tam Nguyen Có một chi tiết: Năm 1911, để đi tìm một sự yên ổn nội tâm, Hermann Hesse làm một cuộc hành trình dài qua Tích Lan và Indonesia, nhưng như ông nói, ông đã thất vọng. Tuy nhiên, chuyến đi này đã tạo nên nguồn cảm hứng sau này để ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về Ấn Độ là “Siddharta” vào năm 1922.Tác giả viết về một câu chuyện ở thời điểm Đức Phật còn tại thế và lồng vào trong đó những giá trị của triết lý phương Đông.
    16 minutes ago · Like
    Ynhi Ha Nguyen Sao lại thất vọng vậy ta?
    15 minutes ago · Like
    Tam Nguyen Vì Hermann Hesse đã không tìm được sự yên ổn nội tâm như ông muốn, đọc lại tiểu sử của ông mới thấy. Ngay từ nhỏ, ông hay bị rối loạn tâm thần và thường xuyên có xung đột với cha mẹ. Năm 1891 ông vào học trường thần học ở Maulbronn (Đức), sau đó ông bỏ học vì thấy mình không thể đi tu được. Năm 1916 cha ông mất, gia đình không hạnh phúc đã đưa ông đến sự khủng hoảng tinh thần trầm trọng. 2 lần kết hôn thất bại. Nhưng đây cũng chính là thời gian dẫn ông đến điểm cao sáng tạo mới. Nhân vật Shiddharta mang trong mình những dằn vặt nội tâm cũng như tác giả. Nhưng tác giả giải quyết bằng cách cho nhân vật giác ngộ bằng cách tự mình tìm kiếm sự giác ngộ. Chỉ không biết cuối cùng Hermann Hesse có tìm được cho mình điều ông muốn hay đem theo nỗi u uẩn này xuống mồ sâu?

  4. ngdieutam says:

    Ynhi Ha Nguyen Trời ơi, nhà văn xuất chúng nào cũng tâm thần hết chị ơi. Họ suy tư, thức khuya và thuốc lá trà rượu quá nhiều.
    Em đồng ý với Hesse là chỉ sau khi trải nghiệm qua hết cuộc đời thì mới tu được. Không sống đã đời thì sẽ ấm ức rồi làm bậy.
    10 hours ago · Unlike · 2
    Ynhi Ha Nguyen Tu là tu tâm sửa tánh. Mới ra đời còn đẹp trinh nguyên thì có gì đâu mà sửa. Đúng không chị Tam Nguyen
    10 hours ago · Unlike · 2
    Tam Nguyen Ynhi Ha Nguyen nói đúng. Lúc còn nhỏ thì như thiên thần, không có gì mà sửa, lớn lên dần dần phải đối phó với cuộc đời để tồn tại nên buộc con người phải đấu tranh để sinh tồn, tùy theo tâm tính, tính cách mỗi con người, tùy theo môi trường sống, giáo dục v.v… mà người ta có những ứng xử khác nhau, đến lúc thấy quá sai thì mới nghĩ đến chuyện “tu” để “sửa”. Nhiều người chỉ nói cái miệng thôi chứ rất khó mà sửa cho bản thân mình trở thành “thiên thần” như lúc còn thơ ngây. Chị nghĩ miễn ai đó thấy mình sống thanh thản không bị dằn vặt bởi tội lỗi, những điều xấu xa … thì … không cần phải tu nữa. Vì không phải người đi tu cũng có thể dứt bỏ được những tham sân si dễ dàng, mà do chính bản thân con người đó có “ngộ” ra được điều gì là tốt đẹp cho bản thân, cho mọi người, cho cuộc sống này mà thôi. Trường hợp Hermann Hess ngay từ nhỏ đã bị rối loạn tâm thần và có những xung đột với người thân, và còn do tính cách của ông nữa vì vậy mà cứ phải đi tìm điều để giải thoát cho những vướng mắc cho bản thân mình. Hôn nhân lần đầu tan vỡ, sai lầm, lần thứ hai cũng sai lầm … Đó cũng là trường hợp chung của con người, ai cũng vậy thôi, đôi khi phải bầm dập sai lầm liên tục mới tìm ra được cách giải thoát cho riêng mình, nhưng vì không biết không tin vào bản thân nên mới phải dựa vào ai đó, vào chủ nghĩa hay tôn giáo nào đó. Có người đạt đến trạng thái cao nhất tự mình tìm ra mà thôi, không phải do ai từ ai, trường hợp này khó lắm, không có nhiều. Nhân vật Siddhartha từ bỏ cha mẹ đi tu, đã gặp đức Phật, nhưng rồi lại bỏ đi, lao đầu vào tình yêu, lăn lộn với kinh doanh, công việc, cuối cùng chán ngán tất cả mới đi tìm dòng sông tìm đến cái chết. Không ngờ ánh sáng cuối đường cùng là đây. Dòng sông. Và người thầy của Siddhartha chính là người lái đò…

Leave a comment